Công ty CP Cơ Khí & Dịch Vụ Thương Mại An Bình
  • CSSX: Thôn Phạm Dùng, Xã An Hồng
    Huyện An Dương , TP Hải Phòng

  • Call Us: 096 999 0779 / 0961 733 156 / 0986 925 999
    KonG.dv@anbinhck.com / toshiyuki.hayashi@anbinhck.com (日本語) / hoa.tt@anbinhck.com

Ngành cơ khí chế tạo: Tích cực nghiên cứu, làm chủ công nghệ


Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu, tiếp thu và chuyển giao công nghệ đã được ngành cơ khí chế tạo coi trọng, đẩy mạnh. Nhờ đó, ngành cơ khí trong nước đã đạt được những thành quả đáng kể, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Ngành cơ khí chế tạo đẩy mạnh chuyển giao công nghệ

Khẳng định năng lực từ các công trình

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN - Bộ Công Thương), việc ứng dụng thành công các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đã khẳng định năng lực, vị thế vai trò của tổ chức KH&CN ngành Công Thương trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Điển hình như: Công trình "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho Nhà máy Nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW" do Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện đã áp dụng thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước...

Một ví dụ khác là công trình "Nghiên cứu thiết kế, hoàn thiện dây chuyền công nghệ, chế tạo bơm đặc thù và bơm công suất lớn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu" do Công ty Cổ phần Chế tạo Bơm Hải Dương chủ trì thực hiện đã chế tạo được các loại bơm đặc chủng cho ngành dầu khí, nhiệt điện, hóa chất, bơm công suất lớn; làm chủ công nghệ chế tạo được bơm có lưu lượng đạt tới 50.000m3/h và máy bơm có cột áp lớn nhất đạt đến 500m; đạt tỷ lệ nội địa hóa 95 - 100%, giá bán bằng 80 - 90% bơm của Hàn Quốc, 60 - 70% bơm của các nước G7.

Ngoài ra, đã chế tạo thành công nhiều sản phẩm phục vụ canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông - ngư nghiệp, các kho bảo quản phục vụ xuất khẩu và dự án đầu tư sản xuất thiết bị phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến có giá trị trên thị trường. Đồng thời, làm chủ thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thủy công như các loại van cung, van phẳng có kích thước lớn, độ phức tạp cao cung cấp cho công trình xây dựng nhà máy thủy điện trên cả nước…

Tăng tự chủ công nghệ

Tiến sĩ Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí - cho biết, là một trong những viện nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu, tiếp thu công nghệ và chuyển giao công nghệ của Viện luôn được coi trọng, đẩy mạnh và đạt được những kết quả rất đáng kể. Ngành cơ khí Việt Nam muốn hội nhập vào nền kinh tế thế giới và rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển thì phải đầu tư phát triển nhằm tự chủ các công nghệ phù hợp.

Từ đầu năm 2008, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam đã đầu tư nhà máy đúc tại TP. Hồ Chí Minh với nhiều khâu tự động hóa. Từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng, các sản phẩm đúc của nhà máy đã dần khẳng định được uy tín trên thị trường. Đặc biệt, nhà máy đã ký được các hợp đồng lớn về cung cấp sản phẩm đúc cho các công ty nước ngoài với yêu cầu rất cao về chất lượng như Toshiba, Ge, Juki, Iseki…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo trong nước phát triển, cần tạo thị trường phát triển cho các lĩnh vực cơ khí trọng điểm; ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sử dụng máy móc trong nước sản xuất, tăng thuế nhập khẩu máy móc nước ngoài. Đồng thời, khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tham gia vào lĩnh vực chế tạo máy...

Theo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế…

Việt Anh (nguồn: theo Quỳnh Nga, https://congthuong.vn)


Bài liên quan